Có bao giờ bạn tự hỏi: Động lực nào khiến những người như anh chàng Trọng Nhân Bye Béo có thể giảm từ 230kg xuống còn 70kg? Hay thứ gì đã khiến cậu Mèo Béo bên Trung Quốc cày mỗi ngày gần 20 tiếng trong mấy năm trời để chu cấp cho bạn gái? Hay chuyện mẹ bầu 8 tháng vẫn đi bốc vác để nuôi con?
Ai cũng nói động lực là nguồn cơn sức mạnh để người ta tạo ra những kết quả phi thường nhưng không phải ai cũng hiểu khởi nguồn và bản chất của nó. Bài viết lý dưới đây sẽ lý giải điều đó thông qua các nghiên cứu và các lý thuyết khoa học về động lực. Hi vọng giúp các bạn có được những góc nhìn chân thực hơn, giúp truyền động lực đúng cách cho người khác cũng như tự tạo động lực cho bản thân. Ít nhất là trong công việc kinh doanh của mình.
Các nguồn khởi sinh phổ biến
Theo nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ từ Ấn Độ, động lực được sản sinh ra từ 5 nguồn chính:
Thứ nhất là động lực nội sinh (Intrinsic Motivation), được sinh ra từ những mong muốn từ bên trong bản thân mà không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Lấy ví dụ từ 3 trường hợp được nêu ở đầu bài, động lực nội sinh của bạn Trọng Nhân có thể đến từ mong muốn vượt lên chính mình và được khoẻ mạnh hơn, của bạn Mèo Béo có thể là vì tình yêu quá to lớn dành cho bạn nữ, của mẹ bầu 8 tháng có thể phát sinh từ mong muốn tạo chuẩn bị những thứ tốt nhất cho con của mình. Đây được coi là dạng động lực thuần tuý, tích cực nhất bởi chúng xuất phát hoàn toàn từ bên trong mà không bị tác động bởi những yếu tố khác. Tuy vậy, những người có được loại động lực này không nhiều vì chúng đòi hỏi sự thấu hiểu bản thân và tinh thần tự chủ rất lớn. Ở chiều hướng ngược lại, những người có được loại động lực nội sinh này thường sẽ ít bị phụ thuộc vào người khác và kỹ năng giải quyết vấn đề thường rất tốt.
Trái ngược với động lực nội sinh đương nhiên là động lực ngoại sinh (Extrinsic Motivation), và nó chịu tác động với các yếu tố….bên ngoài (đương nhiên 😂). Loại động lực này được sản sinh bởi những mong muốn, kỳ vọng của người/tổ chức khác hơn là tự bản thân của người đó.
Tiếp tục từ 3 trường hợp ở trên, có thể bạn Trọng Nhân có quyết tâm Bye Béo không phải vì tự bạn ấy muốn vậy mà vì Crush bạn ấy có ý bảo rằng thích bạn ấy thon gọn hơn chẳng hạn, hoặc bạn Mèo Béo bị bạn nữ kia bảo rằng phải giàu thì mới tiếp tục yêu,… Những người có động lực ngoại sinh thông thường sẽ dễ bị tác động bởi cách nhìn nhận của người ngoài. Trong môi trường công việc, những người này thường làm việc bị động hoặc có tâm lý trì hoãn. Loại động lực này thường không có tính bền vững, chỉ mang tính nhất thời. Động lực này rất dễ bắt gặp ở các khoá học làm giàu, nơi mà người ta hô hào với nhau về sự cố gắng và vươn lên, rằng họ sẽ làm được,… Thường thì những người đó sẽ tràn trề sinh khí lúc hô hào, còn sau đó thì rất có thể rất sầu não vì…rỗng túi.
Loại động lực thứ 3 là động lực dựa trên sự khuyến khích/phần thưởng (Reward-Based Motivation or Incentive Motivation). Động lực này sản sinh khi các cá nhân hiểu được rằng nếu họ đạt được một level nào đó thì sẽ được trọng thưởng/công nhận. Do biết trước điều này nên họ sẽ quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Phần thưởng càng lớn thì động lực càng mạnh. Đây là loại động lực được rất nhiều công ty áp dụng đối với nhân sự.
Tiếp tục từ 3 trường hợp bên trên, giả sử bạn Trọng Nhân được crush bảo: “Anh mà giảm được xuống còn 70kg là em cưới anh liền” trong khi bạn Nhân rất yêu thương bạn nữ thì rõ ràng phần thưởng đó là một động lực rất to lớn cho bạn này. Trong trường hợp của Mèo Béo cũng tương tự. Những trường hợp tương tự thế này trong tình yêu hay công việc thực ra không thiếu và được áp dụng rất nhiều vì người ta thường thấy ngay được cái lợi trước mắt. Dễ thấy nhất là các phần thưởng từ các công ty dành cho nhân viên đạt/vượt KPI, hay hồi chúng ta còn nhỏ thì là học bổng, giấy khen,….
Đây là loại động lực thực tế, dễ khiến con người ta “xắn áo” mà lao vào công việc nhất. Đương nhiên, nếu áp dụng sai cách thì sẽ rất dễ khiến mọi thứ tồi tệ đi, bởi khi đã quen với phần thưởng rồi thì người ta sẽ chỉ lấy đó làm mục tiêu. Nếu hết phần thưởng thì tự nhiên bao nhiêu động lực của họ lại tan đi đâu mất.
Một loại động lực khác là Động lực sinh ra từ nỗi sợ (Fear-Based Motivation). Thoạt nghe thì có vẻ đây là một loại động lực tiêu cực nhưng trong hoàn cảnh phù hợp, loại động lực này sẽ sản sinh ra sức sức mạnh không ngờ. Khi chúng ta tự thấy mình có trách nhiệm cho một ai/thứ gì đó ta đang quan tâm, chúng ta sẽ tự được truyền cảm hứng để không muốn bị thất bại. Điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu, đôi khi là thứ giúp tạo được sự đột phá không ngờ.
Ví dụ: Lại lấy từ các trường hợp phía trên. Tôi tin chắc rằng bạn Trọng Nhân đã lấy được động lực rất nhiều từ những nỗi sợ bởi với thân hình của bạn ngày xưa thì hẳn bác sĩ đã đưa ra cho bạn rất nhiều những cảnh báo về gan, tim mạch,… và nguy cơ từ những tổn thương cho bộ phận này thường rất tệ hại. Bản thân tôi cũng vừa nhập viện mấy tháng trước vì cảnh báo của bác sĩ về suy gan và sau đó đã cố gắng sống “healthy and balance” hơn, dù trước đó tôi chẳng thể nỗ lực như vậy. Và chúng ta có thể thấy, nỗi sợ tạo ra động lực phi thường, từ động lực phi thường đó đã khiến những người như bạn Trọng Nhân hay bà mẹ bầu 8 tháng làm những điều khác thường, đáng ngưỡng mộ. Một ví dụ mang tính trực quan hơn là việc chúng ta thường chạy nhanh hơn khi bị chó đuổi, đúng không? :))))
Loại động lực cuối cùng là động lực dựa trên thành tựu (Achievement-Based Motivation), các cá nhân sẽ muốn bản thân được công nhận và nhớ đến. Loại động lực này tuỳ vào từng hoàn cảnh và cá nhân khác nhau sẽ phát huy sức mạnh khác nhau. Loại này theo tôi cũng giống loại động lực dựa trên phần thưởng nhưng nó sẽ là sự tưởng thưởng của bản thân để thoả mãn tham vọng của mình.
Hiểu được nguồn cơn của các động lực sẽ giúp chúng ta hiểu bản thân và cả người khác để tạo/trao động lực đúng cách, tránh tạo ra những tác động tiêu cực và gây ra những cảm giác tồi tệ cho bản thân. Các nhà quản lý khi hiểu được những điều cốt lõi bên trên cũng sẽ biết cách tạo động lực tích cực hơn cho nhân sự, thay vì những lời sáo rỗng như: “Em sẽ làm được!” “Anh/chị làm được thì em cũng sẽ làm được!” hay “Hãy bứt phá!”,… Trên thực tế, mỗi người đều có những nhu cầu và kỳ vọng riêng trong cuộc sống và chúng ta chỉ có thể thực sự tạo động lực cho họ khi hiểu được những mong muốn thẳm sâu bên trong họ. Đương nhiên, điều đó cần thời gian ^^
Bài viết đáng ra sẽ còn phần nữa về các lý thuyết về động lực nhưng chắc tôi sẽ để dành ở một bài sau hoặc gửi mindmap cho mọi người vì viết đến đây cũng dài rồi ^^
À, động lực của tôi khi viết bài viết này là:
1. Động lực nội sinh (Intrinsic Motivation):
– Tôi luôn muốn trở thành một người hiểu biết, nhất là trong các khía cạnh kinh doanh, tâm lý,….
– Bên trong tôi muốn hệ thống lại những hiểu biết và nghiên cứu của tôi về động lực.
2. Động lực ngoại sinh (Extrinsic Motivation):
– Nguyễn Đức Dương tạo ra thử thách21 ngày liên tiếp tạo content
3. Động lực dựa trên sự khuyến khích/phần thưởng (Reward-Based Motivation or Incentive Motivation)
– Không có (hoặc nếu có thì được Facebook độ”
4. Động lực sinh ra từ nỗi sợ (Fear-Based Motivation)
– Sợ trông như một đứa ng* ==> Phải nghiên cứu kỹ và đọc kỹ mới dám viết bài
– Sợ nếu không làm content thì người ta sẽ không nhớ tới ==> Flop ==> Không bán được dịch vụ ==> Phải làm
5. Động lực dựa trên thành tựu (Achievement-Based Motivation)
– Muốn thông qua những bài viết này, truyền được chút động lực cho các bạn đang đọc bài viết
Còn bạn, động lực khiến bạn đang cố gắng là gì???
PS: Mindmap sẽ được gửi ở phần cmt sau ^^
Tác giả
- Founder của Staspi Solutions – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về Lập trình và Inbound Marketing cho người Việt tại Mỹ (70%) và Việt Nam (30%).
Bài mới
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Bạn có thực sự hiểu “động lực” và truyền động lực đúng cách?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Làm nhân viên công ty lớn hay làm sếp tại công ty nhỏ, lựa chọn nào sẽ tốt hơn?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Xâm nhập thị trường người Việt kinh doanh tại Mỹ và cơ hội thâm nhập để kiếm hàng chục tỷ mỗi năm không còn là cổ tích
- Chia sẻTháng năm 27, 2024Thông tin về Hoang Le và các dự án/cộng đồng mà Hoàng đang xây dựng/cộng tác xây dựng