Để cho anh chị em có hứng đọc bài này thì tôi flex một chút là tôi cùng 3 anh chị khác có xây cộng đồng Phận Làm Sales từ tháng 12/2023, tới nay được 30k member. Từ cộng đồng này, riêng tôi đã ký được 2 hợp đồng với giá trị hơn 1 tỷ và còn 4 hợp đồng khác với gía trị từ 100-500 triệu. Tất cả các hợp đồng đều không phải về xây cộng đồng hay booking trong group mà đều là về Website và xây dựng Thương Hiệu Cá Nhân và hợp đồng lớn nhất là về Short Video cho 1 tập đoàn lớn.
Trấn an cho anh chị em newbie một chút nữa, tôi chỉ mới thật sự xây cộng đồng bài bản từ tháng 5/2023, lúc đó là cùng anh Huỳnh Xuân Tùng phát triển Sơ Hở Là Xây Kênh. Trong một năm, tôi đã gặt hái được nhiều thành quả, từ THCN, network cho đến doanh thu cho công ty. Tôi tin các bạn cũng sẽ làm được điều tương tự (nếu như các bạn đọc kỹ 3 bài sắp tới của tôi).
Không lòng vòng nữa, tôi bắt đầu nhé!
Để xây dựng được một cộng đồng về chuyên môn và đảm bảo nó có thể tự “sống” được thì khâu chuẩn bị là khâu cực kỳ quan trọng nhưng không phải cũng để ý hoặc làm tốt. Tại bài viết này, tôi sẽ đi cặn kẽ từng bước để các bạn dù là tay mơ cũng có thể bắt tay lên kế hoạch phát triển cộng đồng cho mình. Vậy, các việc cần làm là:
Hướng dẫn xây dựng và phát triển cộng đồng lớn mạnh
Vẽ “chân dung” của cộng đồng
Muốn một cộng đồng phát triển lớn mạnh và có độ nhận diện cao thì việc xác định “chân dung” cho nó rất cần thiết. Tên của cộng đồng nên có các yếu tố sau:
- Liên quan đến chủ đề của cộng đồng đó
- Có một sự đặc biệt nhất định, gây gợi nhớ cho người khác
- Ngắn gọn, hoặc ít nhất là dễ nhớ
Ví dụ: Phận Làm Sales, Tâm sự con sen (ban đầu là Tâm Sự Content), Sơ hở là xây kênh, Bạn đã có việc làm chưa, Khu phố tài chính,….
Tiếp đến, đường dẫn của cộng đồng nên đặt là tên của cộng đồng hoặc thứ gì đó gần giống. Vì điều này giúp (1) khẳng định tính authentic và (2) tối ưu về mặt SEO cho cộng đồng.
Ngoài ra, khi bắt đầu xây dựng cộng đồng, người lên kế hoạch nên viết 1 dòng mô tả ngắn để chính họ và cả tệp member mục tiêu có thể định hình được chủ đề, các hoạt động trong cộng đồng, văn hoá, nội quy của cộng đồng.
Ví dụ:
- Phận Làm Sales: Một ốc đảo cho những ai trái tim cháy bỏng vì nghề Sales! Đây là nơi mà kiến thức, kinh nghiệm và câu chuyện về nghề được chia sẻ một cách rộng mở, giúp mọi thành viên đều có thể học hỏi và trau dồi thêm từ những “đồng sales” khác. Ngoài ra, tại cộng đồng này, bạn sẽ có cơ hội để mở rộng network, tìm kiếm các cơ hội bán hàng qua với nhiều cách thức đa dạng. Đến với PLS, bạn không chỉ tìm thấy kiến thức, mà còn tìm thấy đồng đội và cơ hội!
- Tâm Sự Con Sen: Nơi chia sẻ kinh nghiệm và những tâm sự của nghề Content & Copywriting. Nội quy: Trao đổi, chia sẻ và góp ý văn minh tích cực. Không bán hàng, không chửi tục, không chính trị, không tuyển dụng theo kiểu thông thường, không tôn giáo.
Một cái quan trọng nữa, chính là logo và cover của cộng đồng. Thường thì các cộng đồng sẽ biến tấu từ tên của cộng đồng thành logo và vẽ hoa lá cành cho cover. Có một lưu ý nhỏ là các bạn nên thiết kế cover của group sao cho logo nằm ở khung vuông ở giữa để logo hiện ra group vì facebook sẽ lấy khúc giữa đó để làm luôn logo của cộng đồng.
Xác định định hướng cho cộng đồng
Một cộng đồng mà không có định hướng cũng như con thuyền trên biển mà không có la bàn vậy, lênh đênh vô định. Do đó, bạn sẽ cần phải xác định được những điểm sau:
Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi
Nghe có vẻ như đang nói về một công ty, đúng không? Nhưng mà đúng đấy! Phát triển một cộng đồng không khác gì đang gầy dựng một đế chế vậy. Phải có tầm nhìn, nó phải thực hiện một sứ mệnh nào đó, và phải follow một giá trị cốt lõi xuyên suốt hành trình đó.
Văn hoá cộng đồng
Đối với điều này, cần chia rõ ra các khía cạnh bao gồm:
Đội ngũ quản trị
Những điều được làm và không được làm. Các quy chuẩn trong hoạt động.
Ví dụ: Có cá tính và chuyên môn cứng trong lĩnh vực của mình. Thích chia sẻ và biết bỏ cái tôi trước cộng đồng. Không kick member trừ khi member vi phạm các điều khoản của cộng đồng.
Content
Phân chia các tuyến nội dung triển khai, định hướng tính chất của các nội dung và những nội dung bị hạn chế.
Ví dụ: Tập trung 50% vào phần chia sẻ giá trị, 40% vào phần giải trí-tâm sự-truyền cảm hứng, 10% còn lại là dành cho tuyển dụng/bán hàng, PR, Mini game, contest…. Hướng nhiều đến các nội dung chia sẻ có chất lượng, chuyên nghiệp. Không duyệt bài tuyển dụng, bán hàng theo phong cách thông thường.
Văn hoá chung
Những điều nên làm, không được làm trong cộng đồng.
Ví dụ: Chấp nhận các quan điểm đa chiều, không sợ sai, dốt. Tuy nhiên, không chấp nhận các content mang tính đả kích, công kích cá nhân, vi phạm pháp luật. Đề cao tư duy phản biện
Tone & Mood, văn phong của các bài viết & thảo luận
Tưởng tượng phát triển cộng đồng là đang nuôi dạy một đứa trẻ. Từ nhỏ, chúng ta sẽ phải uốn nắn “tính cách” của nó để làm nền tảng cho sự lớn lên của chúng sau này. Mỗi cộng đồng thường có những nét tính cách và hơi hướng trao đổi rất riêng.
Ví dụ như No Viral, No Money của Nguyễn Đức Dương có văn hoá chửi bậy, @Biệt đội trăng đen của Cô Long Truyền Thông có văn hoá trao đổi nhẹ nhàng, chữa lành nhưng rất informative, TSCS có văn hoá không ngại va chạm, còn PLS có văn phong theo dạng hơi formal,…
Xác định mục đích phát triển cộng đồng
Sẽ rất khó tin khi nói chúng ta phát triển cộng đồng chỉ để “trao giá trị” cho cộng đồng mà không có mục đích gì khác. Mà nếu có thì cũng sẽ rất khó để chúng ta có thể giúp chúng vươn xa. Vậy thì, chúng ta phải thẳng thắn với chính bản thân về các mục đích như sau:
- Mục đích phi thương mại: Đừng nhầm lẫn rằng chúng không liên quan đến tiền nhé! Các mục đích này thường liên quan đến việc khai thác các mục tiêu kinh doanh một cách gián tiếp tiếp như phủ sóng thương hiệu, xây dựng THCN, tạo network,… VD: Mục đích phi thương mại của PLS: Gián tiếp truyền thông về công ty của các admin, tạo các chương trình cross-sales,…
- Mục đích thương mại: Thường là các mục đích giúp cộng đồng có thể thu tiền trực tiếp từ cộng đồng như cho đặt quảng cáo, seeding, hoặc thu tiền từ các offline, workshop,… Trừ khi các bạn thật chuyên, còn nếu không thì chưa nên phát triển cộng đồng theo hướng này vì nó đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian
- Mục đích cá nhân: Cái này thường sẽ do BQT tự đặt ra khi tham gia phát triển cộng đồng. Ví dụ: Tăng network, xây dựng THCN, lùa gà (haha),…
Xác định mục tiêu phát triển cộng đồng
Khác với mục đích – thường mang tính tổng quan – thì mục tiêu sẽ giúp các chủ cộng đồng xác định rõ hơn các con số như số lượng member, lượng tương tác trung bình, các hoạt động và tính gắn kết trong cộng đồng cũng như độ nhận diện của đội ngũ admin,… Các mục tiêu cần phải chi tiết, rõ ràng, phải thực tế và đo lường được, đồng thời phải có thời gian rõ ràng (Theo sơ đồ SMART).
Khi đã xác định được mục tiêu, chủ cộng đồng cần phải xác định được chiến lược phát triển cho cộng đồng theo từng giai đoạn và có hướng phát triển nội dung hợp lý.
Ở đây, mình sẽ đưa ví dụ về mục tiêu của Phận Làm Sales:
GIAI ĐOẠN I: WARM UP (12/2023-2/2024)
- Số lượng member: 10,000
- Tương tác: 20-30/bài viết
- Số bài viết: 12 bài/tuần
- Chiến lược: Phủ bài viết, kéo member từ các nguồn có sẵn, Event, Contest
- Định hướng nội dung: Chia sẻ kiến thức, hỏi đáp, giải trí
GIAI ĐOẠN II: ĐỊNH HÌNH ĐỊNH HƯỚNG XYZ (KHÔNG TIẾT LỘ ĐƯỢC)(2/2024-7/2024)
- Số lượng member: 30,000 (Đã đạt từ tháng 4/2024)
- Tương tác: 100/bài
- Số bài viết: 20bài /tuần
- Chiến lược: Phủ bài viết, Event/Workshop/Talkshow, Báo chí, – Contest, Minigame, chia sẻ kiến thức, hỏi đáp, giải trí, drama, tâm sự, truyền cảm hứng
GIAI ĐOẠN III: TÊN GỌI KHÔNG TIẾT LỘ ĐƯỢC (7/2024-1/2025)
- Số lượng: 80,000
- Tương tác: 300/bài
- Số bài viết: 50/tuần
- Chiến lược: Phủ bài viết, Event/Workshop/Talkshow, Báo chí, Contest, Minigame, Liên kết cùng các cộng đồng. Chia sẻ kiến thức, hỏi đáp, giải trí, drama, tâm sự, truyền cảm hứng, case study
Mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn càng khoẻ trong việc phát triển bấy nhiêu.
Xác định các hoat động xuất hiện trong cộng đồng: Content, Minigame, Offline, Workshop,.. (sẽ chia sẻ kỹ hơn ở phần 2) Nói chung là tất tần tật nhưng thứ mà tạo được hứng khởi cho member họ hoạt động.
Vẽ chân dung member
Có một điều không phải ai cũng biết đó chính là chúng ta phải phân loại rất kỹ các nhóm member sẽ hoạt động trong cộng đồng của mình. Bởi mỗi nhóm member sẽ có những insight và mong muống riêng mà chủ cộng đồng nên tìm cách đáp ứng để giữ chân họ và khiến họ tự đóng góp cho sự phát triển cho cộng đồng đó.
Theo tôi, có 7 loại “hạt nhân” chính của cộng đồng như sau:
Nhóm 1: Ban quản trị cộng đồng
Bao gồm admin và moderator. Admin thường chỉ nên là founder/co-founder của dự án vì nó liên quan rất nhiều đến tính bảo mật cũng như tính sở hữu, sâu xa hơn là quyền hạn trong cộng đồng. Theo tôi, BQT cộng đồng cần đáp ứng một vài yêu cầu như sau:
- Năng lực: Năng lực ở đây không nhất thiết phải liên quan đến chuyên môn của cộng đồng. Nhưng nó tất nhiên phải đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Về khía cạnh này, chủ cộng đồng phải xác định rõ về những loại công việc cần có trong cộng đồng để tìm kiếm các cá nhân có năng lực phù hợp. Một vài dạng năng lực thường cần dùng đến trong xây dựng và phát triển cộng đồng bao gồm: Quản lý/quản trị, truyền thông/marketing, chuyên môn, kỹ năng làm việc với con người,….
- Tố chất: Thông thường, những nhà quản trị cộng đồng nên có tố chất của nhà lãnh đạo thì mới đứng lên lãnh đạo quần hùng được ^^
- Sức ảnh hưởng: Người nằm trong ban quản trị không nhất thiết phải là người nổi tiếng sẵn nhưng họ nên là một người có thể tạo giá trị và biết gầy dựng được tiếng nói cho mình trong cộng đồng, và sau đó là ngoài cộng đồng. Mỗi người trong BQT chính là một phần bộ mặt của cộng đồng. Do đó, họ tuyệt đối không nên là những người “chìm”
- Cốt cách, đạo đức, tính cách: Như đã nói ở trên, họ chính là bộ mặt của cộng đồng. Do đó, họ cần là những người có cốt cách và đạo đức tốt. Không nên kéo phốt về cộng đồng. Và quan trọng nhất, biết bỏ cái tôi của mình xuống trước đám đông.
Đối với nhóm BQT này, cần phải xác định rõ về quyền hạn, quyền lợi và nghĩa vụ của họ ngay từ những ngày đầu mời họ vào phát triển để tránh những xung đột về sau. Mời một người vào thì dễ, mời ra rất khó. Do đó mà cần phải xác định và phổ biến rõ về điều họ được làm và không được làm để có cơ sở về sau.
Nhóm 2: Top Contributor
Là những người hoạt động rất năng nổ trong cộng đồng. Họ xuất hiện khắp nơi, từ bài viết, bình luận, cho đến các mục tương tác. Thuờng thì nhóm này có khả năng viết lách hay tranh luận khá tốt, họ khá hướng ngoại và thích chia sẻ những ý nghĩ/kinh nghiệm của họ cho cộng đồng. Mong muốn của nhóm này thường là để tạo được thương hiệu cá nhân, hoặc kết nối với cộng đồng hay kiếm một chân trong ban quản trị. Một số khác thì muốn thông qua đó để tuyển dụng
Nhóm 3: Active Member
Nhóm này gần giống nhóm trên nhưng sức ảnh hưởng và tầm hoạt động của họ ít hơn. Nhóm này thường vào cộng đồng để học hỏi hoặc theo dõi những người mà họ quan tâm với mong muốn được kết nối và thảo luận cùng họ. Nhóm này cùng với hai nhóm trên là những nhóm hạt nhân quan trọng nhất, quyết định đến 90% sự thành công của cộng đồng.
Nhóm 4: Người quan sát (Observer)
Thường là các sếp hoặc newbie, vào để ngó nghiêng và quan sát. Đôi khi có thể là Headhunt, kiếm xem có đối tượng nào ngon thì hốt về
Nhóm 5: Spam/Clone ==> Thường “đi” sớm
Nhóm 6: Brand ==> Quan sát hoặc tìm cơ hội bán hàng
Nhóm 7: Đối thủ ==> Quan sát, học hỏi, hoặc phá
Tác giả
- Founder của Staspi Solutions – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về Lập trình và Inbound Marketing cho người Việt tại Mỹ (70%) và Việt Nam (30%).
Bài mới
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Bạn có thực sự hiểu “động lực” và truyền động lực đúng cách?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Làm nhân viên công ty lớn hay làm sếp tại công ty nhỏ, lựa chọn nào sẽ tốt hơn?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Xâm nhập thị trường người Việt kinh doanh tại Mỹ và cơ hội thâm nhập để kiếm hàng chục tỷ mỗi năm không còn là cổ tích
- Chia sẻTháng năm 27, 2024Thông tin về Hoang Le và các dự án/cộng đồng mà Hoàng đang xây dựng/cộng tác xây dựng