Fastboy, GDS Viethelp Group là những công ty tiên phong trong phục vụ nhóm người Việt kinh doanh tại Mỹ trong lĩnh vực Marketing và công nghệ, thu về hàng chục triệu đô mỗi năm. Tuy vậy, trước làn sóng phát triển của AI, cùng với tiêu chuẩn của khách hàng Việt tại Mỹ ngày càng tăng cao, các đơn vị như trên chưa thật sự theo kịp và gần đây đang nhận phải những đánh giá không mấy tích cực của khách hàng.
Nhiều công ty như trên đã outsource nhân sự Việt Nam để phục vụ thị trường cả chục năm nay và từ đó biến thành các công ty hàng trăm triệu đô, điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Vậy, tại sao chúng ta không nhảy vào khai thác để tiền chảy trực tiếp về Việt Nam?
Trong 2 năm, công ty tôi đã có 200 khách hàng Việt tại Mỹ, thu về doanh thu gần nửa triệu đô mà chưa tốn bất cứ một đồng quảng cáo nào. Tất cả những điều này đến từ sự thấu hiểu sâu sắc về lịch sử hình thành, các yếu tố về nhân khẩu học và những nỗi đau của thị trường.
Dưới đây là phần 1 của bài viết, giúp các bạn có những cái nhìn sâu sắc nhất về nhóm đối tượng mục tiêu để lên chiến lược thâm nhập thị trường một cách hiệu quả nhất:
I/ THÔNG TIN CHUNG
Theo thống kê, có khoảng 5.4 triệu nguời Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có khoảng 2 triệu 359 ngàn người ở Mỹ (đứng thứ 4 trong nhóm người Mỹ gốc châu Á). 10.7% thuộc số này đang kinh doanh. Đa số người Việt tại Mỹ kinh doanh trong lĩnh vực Hair & Nail Salons với dung lượng thị trường lên đến 69.1 tỷ đô (Theo ISBS), và các ngành nghề khác với dung lượng thị trường lên đến hàng chục tỷ đô khác thuộc ngành Beauty như Lash Studio, PMU,… Ngoài ra là các ngành nghề đặc trưng như nhà hàng (Phở, cơm tấm,…), hay bán lẻ, cung ứng sản phẩm, sản xuất….
Chính những ngành kinh doanh này đã góp phần rất lớn cho lượng kiều hối đổ về Việt Nam (hơn 10 tỷ đô la mỗi năm, gần đây nhất là 16 tỷ đô trong 2023). Lượng kiều hối này thông thường là số tiền họ gửi về cho người thân, hoặc trả cho các dịch vụ khác như sản xuất, logistics. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm đổ lại đây, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cho các dịch vụ liên quan đến Marketing, Lập trình đang tăng lên chóng mặt, thông thường qua hai hình thức:
1. Các công ty về Marketing và lập trình khác sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ tại Việt Nam để phục vụ cho thị trường Mỹ. Có thể kể đến các công ty tiên phong trong ngành như FastBoy, GDS Viethelp Group, MacMarketing, Zota, Nailsoft,… Đây là chiến lược rất thông minh khi áp dụng rất triệt để chiến lược “chi phí thấp” để tăng lợi thế cạnh tranh.
2. Các doanh nghiệp Mỹ làm việc trực tiếp với các công ty, cá nhân tại Việt Nam. Điều này giúp họ tiết kiệm được đáng kể chi phí, và đồng thời giúp họ giải quyết vấn đề rất nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh các công ty tương tự có base tại Mỹ ngày càng sáng tạo ra nhiều hình thức tăng giá rất thông minh và khiến các doanh nghiệp này bị phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp.
Nguyên nhân sâu xa của sự phát triển trong ngách cung cấp dịch vụ Marketing và Tech cho thị trường này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, yếu tố lịch sử đóng vai trò rất quan trọng, hình thành nên hầu hết mọi đặc điểm về tư duy, thói quen và cách thức kinh doanh của nhóm người Việt tại Mỹ.
II/ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(Disclaimer:Các thông tin đưa ra với mục đích nghiên cứu kinh doanh, không liên quan đến c h í n h t r ị)
2.1/ Các làn sóng di cư
• Trái với lầm tưởng của nhiều người, làn sóng di cư đầu tiên của người Việt sang Mỹ không phải 1975 mà là vào 1950-1974. Trong giai đoạn này, có khoảng 650 người Việt nhập cư vào Mỹ (số lượng này không tính sinh viên, nhà ngoại giao và những người tập huấn quân sự). Nhóm người nhập cư vào Mỹ giai đoạn này đa số thuộc tầng lớp trí thực, có điều kiện, và trình độ tiếng Anh tốt.
• Trong khoảng từ 1975 – 1979, nước Mỹ chứng kiến sự tăng vọt về lượng người Việt nhập cư sang Mỹ với hơn 130,000. Nhóm người nhập cư thuộc giai đoạn này có sự pha trộn giữa tầng lớp trí thực, gia đình và thân quyến của quân nhân, viên chức thuộc chế độ cũ tại miền Nam việt Nam, và một nhóm nhỏ dân thường.
• Trong 3 năm sau đó (1979 – 1982), có hơn 285,000 người Việt tiếp tục di cư sang Mỹ. Nhóm này sang Mỹ chủ yếu qua đường biển. Làn sóng này xuất phát từ những ảnh hưởng của chiến tranh Việt – Trung, cấm vận + chính sách kinh tế tiêu cực của Mỹ đối với Việt Nam. Những người di cư trong khoảng thời gian này đa số thuộc tầng lớp lao động chân tay như nông dân, ngư dân, một nhóm người gốc Hoa và một số lượng người nhỏ thuộc gia đình của nhân sự thuộc chế độ cũ.
• Làn sóng thứ 4 thuộc vào những năm thập niên 80s – 90s với hơn 500,000 người theo nhiều diện khác nhau như: The Amerasian Homecoming Act (1982), Orderly Departure Program (1979), bảo lãnh người thân, và có cả v ư ợ t b i.ê.n,… Nhóm này có sự pha trộn khá phức tạp về xuất thân, trình độ.
• Từ 2000s đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 33,000 người được cấp thẻ xanh tại Mỹ. Những người thuộc nhóm này thường có điều kiện về mặt kinh tế, giáo dục tốt hơn hẳn so với các nhóm trước.
Bối cảnh tạo nên tình huống, từ các tình huống sẽ ảnh hưởng đến hành động, và từ các hành động (chủ động và bị động) sẽ tạo nên tư duy, tính cách, và thói quen. Trong trường hợp này, bối cảnh nhập cư của từng nhóm người Việt trong từng giai đoạn đã ảnh hưởng sâu sắc đến họ và từ đó hình thành những đặc trưng rất khác so với người Việt ở các nước khác, thậm chí những nhóm nhập cư trong các giai đoạn khác nhau sẽ có những luồng tư duy và cách phát triển không giống nhau.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ chỉ phân tích 2 nhóm nhập cư chính, cũng là 2 nhóm có sức ảnh hưởng gần như đến 90% người Việt ở Mỹ hiện nay. Cụ thể:
2.2/ Bối cảnh nhập cư
Trước làn sóng nhập cư ồ ạt từ Việt Nam, chính phủ Mỹ đã phải tạo nên các khu vực lều trại & nhà tạm tạm thời để sau đó cho họ phân bổ ra các khu vực khác nhau để tránh gánh nặng cho các đơn vị quản lý về sau.
Trong khoảng thời gian này, họ bắt đầu hình thành các mối quan hệ cá nhân và trao đổi các thông tin liên lạc cần thiết. Sau đó, dù đã được các đơn vị liên quan phân bổ ra từng nhóm nhỏ qua nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là qua sự trợ gíup của các đơn vị phi lợi nhuận, nhà thờ,… nhưng các nhóm người Việt cuối cùng cũng bắt đầu tụ họp lại tại các khu vực nhất định.
Xuất phát điểm của hiện tượng này là vì sự khó khăn trong việc hoà nhập vào môi trường mới, sự khác biệt về văn hoá, những trở ngại tỏng giao tiếp, và đặc biệt là nhu cầu được ở gần chủng tộc của mình. Đa số người Việt tại thời điểm đó tập trung ở các bang như California, Texas,… cũng là những bang có số lượng người Việt lớn nhất tại Mỹ cho đến ngày nay.
2.3/ Những hành động ảnh hưởng lớn đến tư duy, thói quen của người Việt
Như đã nêu tại phần 2.1 và 2.2, nhóm người Việt trong giai đoạn 1975 – 1982 đã gặp phải những trở ngại rất lớn trong quá trình hoà nhập và theo kịp với nhịp sống & phát triển tại Mỹ. Những hành động tạo nên ảnh hưởng sâu sắc nhất bao gồm:
• Vị thế xã hội và chuyên môn bị hạ thấp (thời gian đầu, chỉ có khoảng 36% người Mỹ được khảo sát có thiện cảm với người Việt). Đây là hiện tượng chung tại Mỹ vào những năm thập kỷ 70s, 80s đối với cả các nhóm Asian khác (Vào 1992, 70% trẻ em Mỹ gốc Á report là bị phân biệt đối xử vì tình hình tài chính, tiếng Anh, văn hoá,…)
• Đặc biệt, những ai có bằng cấp tại Việt Nam không được chấp nhận tại Mỹ. Họ sẽ phải làm các công việc tay chân hoặc phải đi học lại để có thể làm các công việc chuyên môn.
• Các cộng đồng được hình thành trong các thành phố NHƯNG gần các khu vực phức tạp, giáo dục thấp nên phần nào ảnh hưởng đến trẻ em VN trong giai đoạn này, nhất là về thói quen và tính cách.
• Đặc biệt, nhóm di cư vào những năm 1979 – 1982 có những trở ngại rất lớn về mặt ngôn ngữ và trình độ. Điều này khiến họ không thể tìm được các công việc có mức chi trả hợp lý mà phải tập trung vào các công việc tay chân, mức lương thấp.
• Có một báo cáo cho rằng khi nhóm người Việt Nam là ngư dân đến Mỹ, họ bắt đầu tạo được vị thế trên thị trường và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nhóm ngư dân tại Mỹ trước đó, điều đó đã dẫn đến việc nhiều người Việt Nam bị h à nh h ung, thậm chí bị phân biệt và các nhà máy không mua hàng của họ.
Do bối cảnh lịch sử cũng như các điều kiện hạn chế khi nhập cư, đa số người Việt phải làm các công việc tay chân với mức lương bèo bọt, kèm với đó là điều kiện hạn chế trong việc tiếp cận những kiến thức chuyên môn đã ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình kinh doanh, phong cách quản trị của họ sau này. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp Việt tại Mỹ có doanh thu hàng triệu đô mỗi năm nhưng vẫn có những business model rất sơ khai và phong cách quản trị rất truyền thống, từ đó tạo nên các cơ hội để các công ty thâm nhập vào và khai thác (tôi sẽ chia sẻ sâu hơn ở bài sau).
III/ CÁC PHÂN TÍCH VỀ NHÂN KHẨU HỌC
3.1/ Phân bổ về địa lý & độ tuổi
Như có phân tích ở phần trước của bài viết, đa số người Việt tập trung tại các bang lớn như California, Texas, Florida,… thường là các bang thuộc miền Đông và Tây của nước Mỹ, gần biển, khí hậu không quá khắc nghiệt.
Trong đó, có hơn 40% người Việt đang ở bang California với sự tập trung đông nhất ở Los Angeles với hơn 250,000 người. Các thành phố đông người Việt khác như San Jose, Houston, San Francisco, Dalas, Washington DC,… dao động khoảng 50,000 đến 100,000 người/thành phố. 62% người Việt tại Mỹ nhập cư vào trước 2000 (số còn lại đương nhiên là từ 2000s đến nay, lol).
Theo báo cáo của US Migration Policy, vào 2019, độ tuổi trung bình của người Việt tại Mỹ là 37, trong đó có 47% thuộc nhóm từ 18-49 tuổi. Việt sinh tại Mỹ có nằm trung bình ở tuổi 17, trong khi con số này là 49 đối với người Việt nhập cư. Điều này cũng phân hoá rất rõ ràng về văn hoá của hai thế hệ, đồng thời cũng tạo nên những sự khác biệt về mặt thu nhập.
3.2/ Thu nhập & ngành nghề làm việc
Vào 2021, thu nhập bình quân của người Việt tại Mỹ là khoảng 31,000$/năm (đối với nhóm đi làm toàn thời gian là 45,000$/năm). Nhìn vào có vẻ cao đối với người Việt ở Việt Nam nhưng số này thấp hơn nhiều so với con số trung bình của toàn thể nhóm châu Á nhập cư tại Mỹ (40,000$/năm – bình quân, và 60,000$ – đi làm toàn thời gian. Tuy nhiên, mức độ đáng tin của những thống kê này còn là dấu chấm hỏi khi rất nhiều người Việt tại Mỹ có thói quen thu tiền lương/dịch vụ bằng tiền mặt và có thể…không khai báo.
Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh của người Việt vô gia cư tại Mỹ nhưng trên thực tế thì số này không nhiều. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp của người Việt tại Mỹ chỉ khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với mức chung của toàn nước Mỹ.
Phần lớn người Việt lao động trong các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh, quản trị và cung ứng dịch vụ + bán hàng. Trong đó, người Việt nhập cư có xu hướng làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (chủ yếu là Nails, Spa, Mi, Tóc,…). Ngược lại, nhóm người Việt được sinh ra tại Mỹ lại có xu hướng làm các công việc chuyên môn nhiều hơn.
Trong một nghiên cứu mang tên “Journal of Southeast Asian American Education and Advancement” có khoảng 10,7% người Việt thuộc vào nhóm người “tự kinh doanh/doanh nhân” (2019) (Cụ thể về mục này sẽ được tôi chia sẻ ở phần sau, hứa hẹn sẽ rất thú vị và insightful cho tất cả các bạn). Đây là một con số đáng kinh ngạc và cao hơn hẳn so với các nhóm người nhập cư Châu Á khác tại Mỹ. Tuy vậy, theo thống kê thì nhóm người Việt “tự doanh/doanh nhân” tại Mỹ lại có thu nhập thấp hơn rất nhiều so với nhóm Asian American nói chung (một lần nữa, điều này chưa thực sự được kiểm chứng bởi thói quen “lách thuế” bằng cách nhận thanh toán bằng tiền mặt của
người Việt).
Theo đó:
• Gần 60% doanh nghiệp Việt tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo trì và những dịch vụ cá nhân.
• Khoảng 78% doanh nghiệp dưới 10 nhân sự. Chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp có nhiều hơn 50 nhân sự.
• Đa số doanh nghiệp Việt chỉ phát triển trong 1 bang duy nhất nhưng các doanh nghiệp có mặt từ 2 bang trở lên có doanh số vượt trội (Cao hơn ~34 lần) (Đây là một khía cạnh rất thú vị và sẽ được phân tích ở bài kế tiếp).
• Nhân sự trong các công ty nhiều chi nhánh có được thu nhập cao hơn so với nhóm còn lại.
• Đa số các doanh nghiệp được vận hành bởi đàn ông gốc Việt tại Mỹ thuộc vào sản xuất, bán lẻ, dịch vụ xã hội, nghệ thuật, và các dịch vụ khác. Gần 50% là doanh nghiệp tự hành trong các dịch vụ khác như Nails, Eyelash,…
• Đa số các doanh nghiệp được vận hành bởi phụ nữ gốc Việt tại Mỹ thuộc bán lẻ, dịch vụ xã hội, nghệ thuật, và các dịch vụ khác. Hơn 68% thuộc vào các nhóm dịch vụ khác (beauty, laundry,…)
Tuy vậy, việc kinh doanh tại Mỹ của người Việt cũng gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là những rào cản như:
• Khác biệt trong ngôn ngữ, giao tiếp, văn hoá
• Gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng network, tiếp cận các hoạt động và mô hình kinh doanh lớn
• Bị hạn chế trong tư duy kinh doanh và những hạn chế trong việc cập nhật các xu thế như Digital Marketing, AI, Website,…
• Vấp phải sự thiếu hụt về mặt nhân sự và sự bó hẹp về mặt thời gian
——————————————————————————————————
Tất cả những mục trên, cộng thêm cách vận hành của thị trường này, kèm với đó là xu hướng phát triển của thị trường là những điểm rất thú vị mà tất thảy chúng ta, bất kể là các chủ công ty hay các nhân sự/freelancer đều có thể nghiền ngẫm thật kỹ và tìm phương cách xâm nhập và khai thác.
Còn xâm nhập vào thế nào thì đón đọc bài viết tiếp theo của tôi vào tuần tới nhé! Hứa là rất chất lượng ^^
Tác giả
- Founder của Staspi Solutions – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về Lập trình và Inbound Marketing cho người Việt tại Mỹ (70%) và Việt Nam (30%).
Bài mới
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Bạn có thực sự hiểu “động lực” và truyền động lực đúng cách?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Làm nhân viên công ty lớn hay làm sếp tại công ty nhỏ, lựa chọn nào sẽ tốt hơn?
- Chia sẻTháng năm 30, 2024Xâm nhập thị trường người Việt kinh doanh tại Mỹ và cơ hội thâm nhập để kiếm hàng chục tỷ mỗi năm không còn là cổ tích
- Chia sẻTháng năm 27, 2024Thông tin về Hoang Le và các dự án/cộng đồng mà Hoàng đang xây dựng/cộng tác xây dựng