Top những kiến thức, kinh nghiệm giúp tôi thu về hơn 1.3tỷ chỉ với 4tr tiền Marketing từ thị trường Mỹ & Canada

Khi mà thị trường Việt Nam đang cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, các bên thi nhau** đạp giá **với những website chỉ từ 2-5tr, các bài viết content fanpage chỉ từ 50-150k thì ở các thị trường “Việt” hải ngoại, mọi thứ về Marketing vẫn còn rất sơ khai và mức độ cạnh tranh rất thấp, mức chi trả cao và thanh khoản cực nhanh. Fastboy của Vương Phạm, ViethelpGroup, MacMarketing,… là những doanh nghiệp Việt đã kiếm về hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đô từ các thị trường này với những dịch vụ rất cơ bản như: thiết kế website giới thiệu, Google map SEO, thiết kế banner, dịch vụ báo tin nhắn tự động, dịch vụ đặt lịch tự động, quảng cáo Facebook, quảng cáo qua màn hình TV, in ấn….

Một vài nhân vật ở Mỹ và Việt Nam (trong đó có tôi) đã nhìn ra miếng bánh màu mỡ này và mở ra rất nhiều các dịch vụ và khoá học và thu về những con số khổng lồ.

Vào tháng 11/2021, tôi lần đầu tiên tư vấn cho một anh Việt Kiều Mỹ về việc phát triển sản phẩm trên Amazon. Sau đó, tôi quyết định cố vấn cho anh về từ nhãn mác, giá bán, chính sách bán hàng, và sau đó là chiến lược phát triển.

Tôi khá bất ngờ khi anh là một bác sĩ, làm ra sản phẩm rất hay nhưng bán giá rất lộn xộn và không biết anh ấy đang lời lỗ ra sao. Tôi sau đó nâng giá sản phẩm của anh từ $15 lên $35 và bán rất tốt nhờ chính sách giảm giá + thiết kế menu miễn phí khi mua combo x sản phẩm. Cũng từ cơ duyên này mà các anh chị khách hàng của chính anh này biết đến tôi nhiều hơn và nhờ tôi làm dịch vụ. Từ một người không biết gì về website, tôi sau đó đã biến dịch vụ làm web thành dịch vụ chính và mở công ty về Marketing để phục vụ thị trường này.

thị trường Mỹ & Canada
Thị trường Mỹ không quá khó để khai thác

Dưới đây là tổng hợp mà tôi cho rằng cưc kỳ hữu ích dành cho các bạn muốn mở rộng thị trường để khai thác dịch vụ hoặc tăng thu nhập của mình.

5 INSIGHT CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI MỸ, CANADA

1. “Tôi rất bận, tôi cần một người nào đó có thể giải quyết tất cả các vấn đề về Digital cho tôi”

Người ta thường nói:

“Ở Mỹ/Canada, thở cái là tiền”.

Dịch vụ ở bên Mỹ/Canada thường rất đắt đỏ và thường cần rất nhiều thời gian để trao đổi. Cứ mỗi dịch vụ, họ sẽ cần trao đổi với một công ty/cá nhân nào đó. Do đó, họ luôn mong muốn có một đầu mối nào đó có thể lo cho họ hết mọi thứ. Thông thường, những thứ họ cần khá đơn giản. Ví dụ như: thiết kế Business card và in tại Việt Nam và gửi qua Mỹ; thiết kế logo, bao bì sản phẩm, tìm nơi sản xuất sản phẩm + bao bì và gửi sang Mỹ; nghĩ tên thương hiệu, tagline, thiết kế logo, tạo fanpage, thiết lập website;…

Như tôi có đề ra ở phần trước, khi bạn có được niềm tin của họ, họ sẽ giao hết mọi thứ để bạn làm. Đây là cơ hội để bạn có thể kiếm được RẤT nhiều tiền hoặc cho họ thấy giá trị của bạn từ những thứ rất cơ bản. Họ sẽ chấp nhận trả cho bạn một số tiền cao hơn (một chút) so với thị trường khi bạn có thể giải quyết được nhiều vấn đề cho họ

2. “Tôi không ngại bỏ tiền, nhưng tôi cần người mà tôi có thể tin cậy để giao phó công việc”

Người Việt Kiều rất dễ tin người, như tôi có đề cập. Nhưng đó là khi bạn bước qua những rào cản ban đầu. Thông thường, họ sẽ dò xét bạn khi mới tiếp xúc để xem bạn có muốn “moi” tiền từ họ hay không. Họ sẽ lập tức bỏ bạn đi nếu bạn chỉ nhắc đến tiền khi triển khai bất cứ dịch vụ nào hoặc thấy bạn “chém” họ. Để lấy được niềm tin từ họ, bạn cần cho họ thấy rằng bạn không chỉ là người cung cấp dịch vụ mà bạn thật sự muốn đồng hành cùng họ trong công việc bạn đang làm cùng họ. Một khi họ đã tin bạn, họ sẽ giới thiệu cho bạn rất nhiều những khách hàng cực kỳ chất lượng.

Thông thường, tôi chỉ thu tiền khi các dịch vụ đó cần đến nhân sự và làm free những tác vụ đơn giản, đương nhiên tôi sẽ nói cho họ biết. Ví dụ: Có một khách hàng cần tôi thiết kế logo cho thương hiệu xe bánh mỳ của họ, họ nhờ tôi tìm đơn vị sản xuất xe bánh mỳ và ship qua Mỹ. Tôi cho nhân sự làm việc này bởi nó khá đơn giản và nó nằm trong các mối quan hệ của tôi.

Tôi đương nhiên không lấy tiền. Điều xảy ra sau đó là họ giao cho tôi hầu hết các tác vụ, giới thiệu tôi với các học viên của họ để tôi giảng dạy và cung cấp dịch vụ. Việc này đã xảy ra rất nhiều lần và đó là lý do tôi hầu như không mất tiền quảng cáo bên thị trường này.

3. “Tôi muốn sử dụng dịch vụ của bạn nhưng tôi muốn biết tôi đang trả tiền cho điều gì”

Từ trước tới nay, họ thường giao hết công việc cho các bên làm dịch vụ và không quan tâm đến cụ thể các bên đó đang làm gì. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhóm người Việt trẻ cũng như một nhóm có độ tuổi cao hơn đã chú ý và đi học nhiều hơn về Digital. Do đó, họ luôn muốn hiểu nhiều hơn về các dịch vụ mà chúng ta đang/sẽ cung cấp cho họ.

Có thể bạn quan tâm:  Vào 31/1 vừa rồi, tôi có vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực IT & Marketing

Ví dụ: khi họ làm website, họ cần hiểu cụ thể website là gì, Domain và hosting là gì,… Một lời khuyên dành cho các bạn là hãy trở thành người “thầy” của họ. Hãy thành thật giải thích cho họ về bản chất của mọi thứ. Thông thường, họ sẽ rất thích thú khi tiếp cận các thông tin này. Bởi thứ nhất là họ có thêm kiến thức, thứ hai là họ hiểu cặn kẽ về việc tiền họ được chi trả cho điều gì.

Tôi đã thử nghiệm điều này với rất nhiều khách hàng và họ có xu hướng đi chia sẻ lại với những người khác. Bởi với họ mà nói, những kiến thức này như những chân trời mới dành cho họ vậy. Hơn nữa, bản năng của người Việt mình là thích chia sẻ mà, lol. Điều này cũng vô tình giúp tăng độ nhận diện của bạn đến nhóm khách hàng mục tiêu.

4. “Tôi muốn người khác làm việc cho tôi những tôi muốn có toàn quyền kiểm soát mọi thứ”

Có một điều khá mâu thuẫn là họ thường rất dễ tin người, ít quan tâm đến chi tiết nhưng lại muốn mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình. Do đó, điều bạn có thể làm là liên tục nhắc đi nhắc lại vấn đề này để trấn an họ. Đương nhiên, chúng ta không thể nói trực tiếp điều đó mà phải khôn khéo trong ngôn từ.

Bạn có thể khéo léo nói với hàm ý kiểu “Ngoài kia toàn hổ dữ, anh/chị phải rất cẩn thận. Anh chị phải thế này và không được thế kia, vv”. Đương nhiên những điều này phải dựa trên sự chân thành của bạn. Tôi đã dùng các thuyết phục “ngược” này và nó có hiệu quả 100%. Đương nhiên điều này cũng khiến khách hàng tránh bị lừa rất nhiều lần, thậm chí là tránh mất khoản đầu tư cả trăm ngàn đô vào 1 công ty ma. Nhiều khách hàng của tôi sau đó đã lấy lại được Domain từ công ty nọ và sau đó đã chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ của tôi.

5. “Tôi muốn xây dựng Thương Hiệu Cá Nhân để đi dạy kiếm tiền. Trên mạng có rất nhiều người dạy về nó nhưng tôi cần minh chứng cụ thể”

Thông thường, các khoá học sẽ xuất hiện nhiều khi: (1) thị trường kinh doanh đã bão hoà, (2) thị trường đang nóng và đầy tiềm năng.

Thị trường Nails, nhà hàng Phở đang đi đến điểm bão hoà của nó, trong khi thị trường Nối mi và Vẽ lông mày đang là những thị trường “hái ra tiền” tại Mỹ. Do đó, nhu cầu mở các khoá dạy bên thị trường này đang rất cao. Một khoá dạy Phở trong 7 ngày có thể có mức giá từ $20k-$50k, một khoá dạy lông mi trong 2 ngày có thể lên tới $2500-$5000. Tuy nhiên, để mở được khoá dạy thì đương nhiên các anh chị này cần phải có sự tin tưởng từ học viên mục tiêu qua thương hiệu cá nhân. Vì vậy mà nhu cầu đi học xây dựng THCN bên thị trường này đang nở rộ trong 1-2 năm gần đây.

Tuy nhiên, cái THCN của các anh chị bên này vẫn còn sơ khai hệt như tại Việt Nam khoảng 5 năm về trước. Tức rằng họ sẽ quan tâm đến số follow, tương tác hơn giá trị chuyển đổi. Xuất phát từ sự “dễ tin người” của cộng đồng này, ngoài tin người xung quanh thì họ thường quan tâm đến những bằng chứng xác thực, cụ thể là từ các con số.

Bạn có thể có kiến thức vững nhưng họ sẵn sàng bỏ ngoài tai ý kiến của bạn nếu nó trái người với những gì họ được nghe từ một người “thầy” đầy follow ảo trên mạng. Do đó, bạn sẽ cần phải có được những con số ấn tượng nếu muốn thuyết phục được họ sử dụng dịch vụ hoặc lớp học của bạn. Ngoài ra, bạn cần đưa nhu cầu “nổi tiếng” của họ lên hàng đầu.

20 ĐIỂM CHUNG VỀ CON NGƯỜI/CỘNG ĐỒNG VIỆT TẠI MỸ, CANADA

  1. Khác với lầm tưởng của nhiều người, Người Việt ở Mỹ, Canada không chỉ giàu từ làm Nails và bán phở. Một vài ngành nghề khác mà người Việt cũng đang “thống trị” là nối mi, vẽ lông mày, bảo hiểm, và…. đa cấp. Các dịch vụ mà họ cần thông thường là thiết kế website, thiết kế logo/banner, content Facebook/Instagram, chỉnh sửa video.
  2. Thị trường Nails đang dần bão hoà khi mà lượng người làm tự ra mở tiệm ngày càng đông. Do đều là những người làm kỹ thuật tay chân ra làm kinh doanh, cộng với lứa tuổi khá cao nên đa số họ thường không có tư duy kinh doanh hiện đại. Tức là họ vẫn phải làm việc cùng với thợ khi có khách nên hầu như không có thời gian rảnh. Tỷ lệ ăn chia sẽ là thợ 6/chủ 4. Chủ sẽ phải trả luôn thuế. Vì rất bận nên thông thường họ sẽ không có thời gian để học hỏi/cập nhật những thứ khác. Do đó, kiến thức về Digital của họ khá hạn chế.
  3. Những người làm lông mi và lông mày có độ tuổi trung bình thấp hơn vì đây là những ngành khá non trẻ. Thường sẽ nằm ở độ tuổi từ 25-35. Đây là nhóm có tư duy mở và hiện đại hơn. Họ học và cập nhật các kiến thức Digital thường rất nhanh.
  4. Nếu bạn đang há hốc mồm với việc người Việt bên đó làm đa cấp thì tôi cũng đã từng như thế. Có một nhóm khá đông người Việt tham gia thị trường đa cấp bên Mỹ/Canada. Người tham gia thường là những người có tiền nhưng vẫn muốn có nhiều tiền hơn. Thường là bán qua các mối quan hệ. Các sản phẩm họ thường bán trong hệ thống là Nuskin, máy lọc nước (khoảng 6k$), hoặc Membership để…được vào hệ thống đa cấp. Nếu bạn thấy các video trên YouTube và Facebook về các anh chị đang “có một Business trên digital, cho phép họ có thể làm việc khắp nơi,…” thì bạn đã gặp 1 trong những hình thái đa cấp đang rất phát triển bên đó.
  5. Một trong những lý do khiến nhiều người Việt bên này tham gia đa cấp là vì một bộ phần người Việt bên các thị trường này thường rất dễ tin người và hay bị lừa, nhất là các cô chú/anh chị từ 40 tuổi trở lên. Điều này xảy ra là vì họ dành đa số thời gian của họ để kiếm tiền và không va chạm quá nhiều với bên ngoài. Họ thậm chí sẽ đưa email cho bạn chỉ qua vài bước thuyết phục. Họ sẵn sàng thực hiện bất cứ thao tác gì, gửi bạn mã OTP cho bạn khi họ “tin tưởng” bạn. Tôi đã phải dặn khách hàng rất nhiều về vấn đề này.
  6. Tận dụng được điều này, các công ty cung cấp các dịch vụ digital cho những nhóm khách hàng này thường “lén” sở hữu hết các tài nguyên. Họ sẽ tạo fanpage của khách hàng bằng nick của công ty, họ sẽ tự mua Domain và sở hữu nó để khách hàng phải phụ thuộc vào họ. Thông thường, các công ty làm website sẽ thu phí “duy trì” từ năm thứ 2-3 trở đi với mức gía khoảng $200.
  7. Khác với lầm tưởng của nhiều người, nhà hàng Phở của Việt Nam thường sẽ có thêm các món khác như cơm sườn, chả cuốn, trà sữa,…
  8. Không phải Việt Kiều nào cũng là “ba sọc”: Tiếp xúc với hơn 100 khách hàng, trao đổi với rất nhiều người nữa thì tôi chỉ gặp 2 người có tư tưởng “chống cộng”. 2 người này cũng không nhắc bất cứ thứ gì về chính thị với tôi. Tuy nhiên, có một điểm khá đặc biệt là đa số các khách hàng sẽ yêu cầu bạn để cờ Việt Nam trong website/fanpage của họ vì sự nhạy cảm của chính trị.
  9. Không phải Việt Kiều nào cũng nghĩ bên Việt Nam còn nghèo và kém hiểu biết. Thực ra, vẫn có một nhóm người không tin vào chất lượng dịch vụ từ Việt Nam vì họ cho rằng người ở Việt Nam sẽ không hiểu văn hoá ở Mỹ/Canada. Điều này cũng đúng nhưng nhóm người này sẽ bị cực đoan hoá. Cũng sẽ có nhóm người sẵn sàng “ép” giá vì cho rằng giá ở Việt Nam phải rất thấp. Tôi đã từng gặp những khách hàng trả giá website từ $1200 xuống còn $300. Tôi ngưng khách này ngay sau đó. Tuy nhiên, phần lớn các anh chị đều rất hoà đồng và sẵn sàng trả số tiền được báo, nhiều khi còn bonus thêm. Thường họ sẽ khá dè chừng ở những tiếp xúc ban đầu nhưng khi bạn đã có sự tin tưởng từ họ thì bạn nói gì họ cũng nghe.
  10. Đa số Việt Kiều đều hướng về đất nước: Một trong những lý do mà rất nhiều khách hàng làm việc với tôi là bởi họ thấy mấy đứa nhân viên của tôi “dễ thương” và họ muốn hỗ trợ cho các bạn trẻ ở nước nhà. Đương nhiên, đổi ngược lại là bạn cần cho họ thấy sự chân thành và hiệu quả của mình.
  11. Người ta thường nói: “Người Việt không có tính kết nối và đoàn kết”. Điều này vừa đúng vừa sai. Thực ra, tính cộng đồng của người Việt rất mạnh. Họ thường rỉ tai nhau về những điều tốt/xấu của những dịch vụ hoặc con người mà họ sử dụng/gặp gỡ. Do đó mà WOM là một vũ khí mà các bên cung cấp dịch vụ có thể khai thác rất tốt. Tôi thu về hơn 1 tỷ doanh thu bên thị trường này chỉ qua WordOfMouth. Tuy nhiên, khi họ cho rằng bạn đụng đến lợi ích cá nhân của họ thì mọi chuyện sẽ khác.
  12. Người Việt tại Mỹ/Canada thường không thích chung đụng: Một phần vì bị lừa quá nhiều, phần khác do không rõ ràng khi bắt đầu hợp tác và cuối cùng xảy ra mâu thuẫn nên phần lớn người Việt bên Mỹ/Canada không thích hợp tác làm ăn, nhất là nhóm lớn tuổi.
  13. Thông thường, họ sẽ di chuyển từ một quãng đường khác dài từ nhà đến chỗ làm nên họ hay tranh thủ trao đổi lúc lái xe.
  14. Một trong những lo ngại của họ khi làm việc với người tại Việt Nam là trái khung giờ. Họ thường bận vào khung giờ khoảng 9am-7pm.
  15. Nhiều người Việt bên Mỹ không có tính thống nhất trong ý kiến: Họ thường thay đổi ý định của mình rất nhanh. Do đó, khi làm dịch vụ cho họ, bạn cần phải cho họ biết quan điểm làm việc cũng như confirm thật kỹ mọi thông tin trước khi tiến hành công việc.
  16. Họ thích mua xách tay các sản phẩm ở Việt Nam vì giá rẻ.
  17. Họ không hiểu quá nhiều về logistic.
  18. Không phải tất cả họ đều nói tốt tiếng Anh. Họ thường sẽ nói lẫn lộn tiếng Anh và Tiếng Việt.
  19. Thẩm mỹ của nhóm người từ 45 tuổi trở lên đang nằm ở những năm 2000s tại Việt Nam.
  20. Họ sẽ hỏi bạn khá nhiều thứ và thường bạn sẽ cần mất thời gian để giải thích cho họ. Điều này có điểm lợi và hại riêng. Điểm lợi là bạn có thể tạo được mối thân tình với họ và hiểu hơn về họ. Điểm hại là mất thời gian.
Có thể bạn quan tâm:  CEO làm việc/trao đổi trực tiếp với nhân viên cấp dưới về việc thăng cấp mà không thông qua/thông báo với nhân sự quản lý trực tiếp. Lợi bất cập hại!

10 DỊCH VỤ CỰC KỲ TIỀM NĂNG ĐỂ KHAI THÁC TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ/CANADA

1. Dịch vụ lập trình website

Nếu bạn tìm hiểu về các website của người Việt tại Mỹ/Canada sẽ thấy website của họ rất sơ khai và khá đơn giản. Họ thường chỉ có nhu cầu làm các website để giới thiệu, bán hàng cơ bản, hoặc website dạy học. Tuy nhiên, các website của họ sẽ cần được viết bằng tiếng Anh và họ sẽ cần bạn làm từ A-Z cho họ (content, hình ảnh,…). Bạn sẽ cần “dạy” họ hiểu về những thành phần của website và hướng dẫn họ mua Domain, sau đó là hướng dẫn họ sử dụng website về sau. Bạn nên nói rõ tất cả các chi phí để họ không bị “bất ngờ” khi bạn hỏi tiền. Thông thường thì họ sẽ trả tiền bạn khá nhanh và rất sòng phẳng. Nếu họ thích bạn, họ sẽ bonus thêm.

2. Dịch vụ SEO Map

Đối với người Việt tại Mỹ/Canada. SEO của họ (theo cách nói của họ là Top 1 Google) chính là SEO Map, họ không có khái niệm về SEO website. Yêu cầu đơn giản của họ là khi người khác gõ tên tiệm hoặc thông tin tiệm quanh khu vực đó thì thì thông tin về map của họ hiện lên đầu. Người Mỹ/Canada có thói quen đến các địa điểm qua Google map nên điều này không có gì lạ. Vả lại, việc này cũng trực tiếp mang lại khách hàng cho họ nên họ rất sẵn sàng trả tiền.

3. Dịch vụ đánh giá trên YELP

Yelp là một website dùng để xem đánh giá các địa điểm kinh doanh tại Mỹ. Khách hàng thường lên đây để tìm hiểu về dịch vụ của các cơ sở họ đang tìm hiểu. Một vài tiệm/nhà hàng sẽ có nhu cầu đẩy review tốt trên nền tảng này.

4. Dịch vụ chăm sóc Social

Dịch vụ này sẽ được các tiệm nails, mi và phun xăm sử dụng khá nhiều, đặc biệt là trên Facebook và Instagram. Lưu ý là họ thường không trả tiền cao cho các dịch vụ này bởi các đơn vị khác đang cung cấp với giá rất thấp. Hơn nữa, yêu cầu của họ cũng khá đơn giản. Ngày trước, tôi thu $150/tháng cho 15 bài.

5. Dịch vụ đẩy follow, like ảo

Như tôi có đề cập, họ quan tâm rất nhiều đến các con số, y hệt VN 5-10 năm về trước. Do đó, các dịch vụ đẩy follow/like ảo vẫn còn rất tiềm năng tại thị trường này. Tôi không làm dịch vụ này bởi nó không nằm trong hệ giá trị của tôi.

6. Dịch vụ thiết kế

Thực sự mà nói thì gu thẩm mỹ của thị trường bên đó khá tệ, do đó mà các dịch vụ được bên đó cung cấp cũng không được tốt như ở Việt Nam. Hơn nữa, yêu cầu của khách hàng cũng khá đơn giản. Thường thì họ sẽ cần thiết kế logo, bao bì sản phẩm, business card, banner, menu, tờ rơi,…. Nếu bạn giúp họ tìm nơi in ấn và ship luôn thì càng tốt. Bạn có thể có tiền từ việc này, nhiều là đằng khác.

Có thể bạn quan tâm:  Tư duy “Làm vua chột ở xứ mù” trong kinh doanh (cho Start-ups & SMEs) và xây dựng THCN

7. Dịch vụ … quay dựng/ chụp hình

Nghe thì có vẻ lạ bởi bạn đang ở Việt Nam thì làm sao chụp hình được khách bên Mỹ/Canada đúng không? Đó là vì bạn chưa biết, thường các anh chị bên Mỹ cứ 1-2 năm sẽ về Việt Nam một lần, mỗi lần khoảng 1-2 tháng. Cũng giống như các dịch vụ về hình ảnh/video khác, dịch vụ tại Việt Nam thường có tiêu chuẩn cao hơn và rẻ hơn rất nhiều. Do đó mà các anh chị thường sẽ có xu hướng về Việt Nam để làm. Trong tháng 8 này, tôi cũng thực hiện dịch vụ này cho 1 chị khách hàng thân thiết từ Mỹ về.

8. Dịch vụ viết kịch bản video

TikTok, Reels,… là những thứ khá mới với thị trường này và mọi người đang đổ xô vào mà khai thác. Tuy nhiên, như tôi có đề cập, họ thường rất bận và không có chuyên môn trong những mảng này nên thường muốn thuê bên ngoài. Nếu bạn nắm luôn cả phần edit thì sẽ nhận về được số tiền khá lớn.

9. Dạy Marketing cơ bản

Khi mà người người nhà nhà đều cập nhật kiến thức thì rất nhiều anh chị bên đó cũng đang như thế. Tôi đã từng bắt gặp những lớp học online với mức giá $1350 với 60 học viên trong 16 buổi, nơi mà học viên là những anh chị chủ kinh doanh với doanh thu mỗi tháng từ hàng trăm ngàn đến triệu đô được dạy về cách tạo fanpage, đăng tải rết, đăng ký canva, set-up quảng cáo,…Và bạn biết gì không? Đó chỉ là lớp phễu. Lớp sau đó có giá $6000, nơi họ được dạy về “automation” aka smax chat bot ????

Tôi cũng từng thấy một khách hàng thân thiết của tôi bỏ ra 400tr để học 1 ông thầy về viral video trong khi kênh TikTok trong khi tương tác của ông này toàn ảo ma Canada. Do đó, nếu bạn có kỹ năng và hiểu thị trường này, bạn hoàn toàn có thể khai thác nó. Tôi cũng đang trên hành trình xây dựng THCN để khai thác ????

10. Dạy Thương Hiệu Cá Nhân

Tôi đã đề cập về nhu cầu đi dạy ở phần trước. Họ sẵn sàng bỏ ra những con số khổng lồ nếu nó mang lại kết quả thực sự. Nếu bạn giỏi như anh zai Phùng Thái Học mà không khai thác thì quả là sai lầm của 1 kiếp người

Trong vòng 10 tháng, tôi thu về khoảng 1,3 tỷ và được đầu tư 250tr từ chính khách hàng và chỉ mất đúng 4 triệu tiền in catalogue và gửi sang Mỹ theo nhã ý của khác hàng về việc họ sẽ quảng cáo thay tôi.

Nhiều bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại đưa ra những điều này. Tại sao “ngon thế mà không ăn một mình”. Tôi xin trả lời luôn là tôi nhận thấy sức của mình tôi không đủ. Tôi từng tham vọng xây dựng cộng đồng người Việt Kinh Doanh tại Mỹ nhưng fail vì chẳng có người đồng hành cùng. Tôi đã từng đứng trước cơ hội để khai thác hơn 200 khách hàng từ khách hàng của tôi nhưng phải từ bỏ vì không có nhân sự và đối tác đáng tin cậy về mảng SEO Map.

Do đó. Tôi coi đây như một bài “hịch”. Nhằm đưa ra những thông tin và kiến thức chân thực nhất. Hi vọng tìm được anh em cùng chí hướng và tham gia cùng tôi trên hành trình chinh phục thị trường Việt tại Mỹ, Úc, Canada và Anh.

MỘT VÀI LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CÁC ANH CHỊ EM MUỐN KHAI THÁC MIẾNG BÁNH BÉO BỞ NÀY

  1. Họ là những người con xa quê, hãy cho họ cảm nhận sự gần gũi và ấp áp như người nhà.
  2. Bạn cần kiên nhẫn để trả lời các câu hỏi có vẻ “ngây ngô” của họ. Nhưng cũng đừng vì thế mà tận dụng và lừa lọc họ, họ sẽ nhận ra theo thời gian.
  3. Hãy cho học cảm giác an toàn, hãy biến mình thành người cộng sự của họ thay vì chỉ đơn giản là một người cung cấp dịch vụ.
  4. Chỉ thu tiền những dịch vụ đáng phải thu. Đừng ngần ngại cung cấp miễn phí cho họ những thứ mà bạn có thể cho họ (kiến thức, mối quan hệ,…).
  5. Bạn cần thường xuyên nhắc nhở họ về các công việc mà bạn cần họ hoàn thành. Họ có thói quen quên việc do quá bận rộn.
  6. Tính cộng đồng của họ rất cao. Hãy tìm cách gắn kết họ lại với nhau.
  7. Họ rất ham học hỏi, nếu được thì bạn có thể làm người “thầy” của họ.
  8. Hãy biến bạn trở thành đầu mối giải quyết được các công việc của họ. Nếu việc nào bạn không làm được thì có thể outsource.
  9. Họ không quan tâm quá nhiều đến tiền nhưng bạn không nên “hét giá” quá cao. Chi phí bạn thu về nên tương xứng với giá trị thực của nó.
  10. Hãy tập trung vào các con số, đó là thứ họ đang quan tâm nhiều nhất.

Xem thêm bài viết TẠI ĐÂY.

Trên đây là những gì mà tôi tổng hợp được sau những nghiên cứu và kinh nghiệm trong 2 năm vừa rồi. Thực sự thì thị trường Mỹ không quá khó để khai thác như chúng ta vẫn lầm nghĩ bởi đâu đó vẫn luôn có những miếng bánh rất ngon để anh em khai thác. Anh em nào có câu hỏi gì thì cứ inbox tôi nhé!