Tư duy “Làm vua chột ở xứ mù” trong kinh doanh (cho Start-ups & SMEs) và xây dựng THCN

“Trở thành người đứng đầu/tiên phong” là nguyên tắc được nhắc đến đầu tiên trong cuốn sách “22 quy luật bất biến trong Marketing” của Al Ries và Jack Trout. Lẽ đương nhiên, trở thành kẻ đứng đầu trong một lĩnh vực nào đó luôn là giấc mơ của mọi cá thể/tập thể.

Tuy vậy, trong một thị trường đầy rẫy các sự lựa chọn, nếu ai cũng chăm chăm vị trí đứng đầu, thì ai sẽ là người đặc biệt? Khi mà “cung” lớn hơn cầu, giá trị của các “ứng cử viên” cho vị trí đứng đầu đó sẽ nằm ở đâu? Sẽ ra sao nếu chúng ta không chiếm được, hoặc mất đi, vị trí dẫn đầu đó? Thêm nữa, nếu nguồn lực của bạn không đủ lớn, bạn sẽ cạnh tranh “ngôi vương” ấy thế nào?

“BẠN MUỐN LÀM NGƯỜI GIỎI NHẤT TRONG TẬP THỂ BÌNH THƯỜNG NHẤT HAY MUỐN LÀM KẺ BÌNH THƯỜNG TRONG TẬP THỂ ƯU TÚ”?

Sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời mẫu cho câu hỏi này. Bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào mục đích, mục tiêu của cá nhân đó, vào tình hình thực tế, vào lối tư duy.

Nếu bạn đang trong quá trình học hỏi và phát triển thì đương nhiên lựa chọn tập thể giỏi để học hỏi luôn là lựa chọn thông minh. Nhưng nếu trong bối cảnh bạn đang cần cạnh tranh/cần khẳng định vị thế thì lựa chọn lúc này có vẻ trở nên khó nhằn hơn.

Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp/cá nhân ở vị thế “thấp cổ bé họng” với lợi thế cạnh tranh chưa cao thì lựa chọn làm kẻ nổi bật trong đám đông bình thường có vẻ là lựa chọn tốt hơn hết.

Do vậy là việc lựa chọn làm “vua chột xứ mù” (thường bị nhiều anh chị em chê cười) có vẻ chẳng có gì đáng hổ thẹn, mà đôi khi lại là lựa chọn thông minh của rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp trong thời đại hiện nay.

Để nói về chiến thuật này, xin phép nhắc đến Beamin – thương hiệu vừa rời khỏi thị trường Việt Nam gần đây. Tuy rằng Beamin đã thất bại về mặt kinh doanh nhưng tôi tin rằng nó luôn là một case-study kiểu mẫu cho rất nhiều bài phân tích về chiến lược Marketing của họ. Những ngày đầu vào thị trường Việt Nam, thay vì đối đầu trực tiếp trên mọi mặt trận với các ông lớn như Grab, GoViet(tên cũ của Gojek ngày đó), Now,… thì họ chọn chiến lược Marketing tập trung và chỉ đánh vào khu vực quận 7, TPHCM. Tại đây, họ có lợi thế cạnh tranh rất lớn là nhóm người Hàn (quê hương của Beamin) đang tập trung sống ở khu vực Phú Mỹ Hưng rất đông và cũng xa khu vực trung tâm nhưng rất sầm uất. Lựa chọn này không những giúp họ tối ưu hoá chi phí truyền thông, marketing mà còn tạo dấu ấn rất tốt trong một nhóm người tại khu vực này. Sau 3 năm, mọi chuyện ra sao thì chắc mọi người đã rõ.

Có thể bạn quan tâm:  Hiểu đúng “Giá trị” sản phẩm cho khách hàng để tăng lợi thế cạnh tranh

Một case study mang tính global hơn đó chính là Walmart, khởi đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ tại Bentonville, Arkansas vào 1945, nhưng bây giờ họ gần như thống trị thị trường bán lẻ offline tại US. Tại thời điểm bắt đầu, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi bán lẻ khác thì họ chọn cách chỉ phân phối các sản phẩm giá rẻ, tạo một ngách riêng cho mình. Chiến lược đó đã được họ áp dụng cho đến ngày nay và ai ai cũng có thể thấy được thành quả đáng ngưỡng mộ của họ.

Làm vua chột ở xứ mù
Tư duy “Làm vua chột ở xứ mù” trong kinh doanh

Điều đó cho thấy rằng việc đi “đường vòng” chẳng có gì sai cả. Việc quan trọng là: “Vòng” đường nào cho đúng?
Để làm được điều này, việc quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ thị trường/đối tượng mục tiêu. Xem thử họ đang thiếu hoặc đang cần điều gì? Chúng ta có thể giúp họ giải quyết điều đó hay không? Và cách giải quyết của chúng ta có gì đặc biệt so với đối thủ?

Một trong những bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi chính là giây phút tôi cùng Masan Group ký hợp đồng đào tạo và cố vấn về bán tương ớt Chinsu trên Amazon vào tháng 5/2022. Vào thời điểm đó, tôi (và công ty tôi) đúng là hạng “vô danh tiểu tốt” đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi đương nhiên không thể vỗ ngực vươn vai và bảo với Masan rằng: “Tôi có thể đưa Chinsu đạt doanh số triệu đô sau 3 năm!” hoặc “Tôi sẽ biến Chinsu trở thành tương ớt số 1 tại Mỹ!” được.

Thay vào đó, tôi chọn cách thể hiện rằng tôi sẽ là người đồng hành (chứ không phải một bên cung cấp dịch vụ) cùng họ trên chặng đường chinh phục thị trường Mỹ. Tôi đưa ra những mối quan hệ tại Mỹ mà tôi có. Khi họ đưa ra KPI và bắt tôi cam kết trước khi ký hợp đồng thì tôi chọn cách nói thẳng rằng:

“Mình chưa chạy nên chưa có thể nói trước được điều gì. Em không nói rằng mình sẽ không đạt được nhưng sẽ cần chạy để quan sát và đánh giá. Điều quan trọng là mình biết mình nên và không nên làm gì!”.

Bằng cách thẳng thắn, chân thật và đưa ra những giá trị mà không phải đối thủ nào cũng đưa ra được (đương nhiên cũng có phần tác động về giá), tôi đã thành công ký kết hợp đồng với một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, đánh bật rất nhiều những đối thủ nặng ký khác. Trong trường hợp này, điều tôi làm tốt nhất chắc lẽ cũng là hiểu được những mảnh ghép họ đang thiếu và tự biến mình thành mảnh ghép đó.

Ngoài lề một chút là số lượng “chuyên gia” về Amazon tại thị trường Việt Nam không nhiều. Các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm hiểu lĩnh vực này vì cầu về nhân sự Amazon đang rất lớn.

Có thể bạn quan tâm:  Người Việt tại Mỹ - Đại Dương Xanh (Phần 1)

Lựa chọn này cũng liên quan đến câu hỏi mà nhiều người hỏi tôi nhất: Tại sao anh lại chọn thị trường Mỹ để khởi nghiệp?

Thú thực mà nói, công ty tôi ngày xưa chẳng có lợi thế cạnh tranh nào quá đặc biệt trên thị trường. Nó chẳng qua cũng chỉ là một công ty làm website, US e-Commerce và cung ứng các dịch vụ về Thương hiệu cá nhân, social,…

Một công ty chẳng có gì quá nổi bật mà còn cạnh tranh ở thị trường Việt Nam thì chẳng biết bao giờ mới ngóc lên nổi. Khi mà nhan nhản xung quanh là các bên làm website full service với mức giá từ 2-5tr, các bên viết bài social với mức 50k/bài,… Khi nhìn sang thị trường Việt tại Mỹ, nơi mà thị trường sơ khai. Nơi mà tôi có thể sử dụng tiếng Anh của tôi để làm lợi thế cạnh tranh với các đối thủ ở Việt Nam, và sử dụng vị trí địa lý & nguồn nhân lực ở Việt Nam để làm lợi thế cạnh tranh với các đối thủ tại Mỹ.

Đối với các đối thủ ở Việt Nam thì tôi xin phép không nhắc tới, nhưng đối với các đối thủ ở Mỹ, tôi luôn tự tin là khách hàng luôn lựa chọn tôi khi biết đến những thứ tôi có thể làm cho họ.

Các bạn biết đấy, rào cản về mặt địa lý cũng như chi phí nhân sự không cho phép các công ty đối thủ của tôi tại Mỹ có thể hỗ trợ cho khách hàng các vấn đề ngoài chuyên môn. Đó có thể là thiết kế và in ấn mấy cái card visit, là sản xuất mấy bao hoặc xe bánh mỳ, là vận chuyển, hay thi thoảng đưa cho họ 1 vài idea về Marketing,….

Tôi chẳng bao giờ nói với khách hàng rằng tôi là người cung cấp dịch vụ tốt nhất cho họ. Thay vào đó, tôi cho họ thấy rằng tôi có thể giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian & công sức khi làm việc cùng tôi. Tôi cũng chẳng “đánh” hết các thị trường mà chỉ tập trung vào một vài ngách nhỏ và làm thật tốt các công việc trước khi mở rộng ra ngoài.

Từ những công việc trên, tôi có những giá trị và mối quan hệ riêng, tiếp tục biến chúng trở thành các thế mạnh của mình. Để rồi bây giờ, các anh chị bên Mỹ cần tuyển dụng hay sản xuất thì sẽ nhờ đến tôi. Các anh chị ở Việt Nam cần xuất khẩu sang Mỹ hoặc nhờ một vài việc lặt vặt bên Mỹ thì cũng nhớ đến cái tên Hoang Le Tmkn này.

Chẳng phải tôi đưa ra những lựa chọn của mình để vỗ ngực vươn vai rằng tôi giỏi giang hay thông minh gì sất. Nhưng bạn biết đấy, vào khoảng 1 năm về trước thì chẳng ai biết tôi là ai cả. Nhưng tới thời điểm hiện tại thì mỗi khi nhắc đến Người Việt Kinh Doanh tại Mỹ thì không ít anh em đã nghĩ đến tôi và cả công ty của tôi. Một cá thể & công ty không có bất cứ thứ gì nổi bật đã leo lên bằng cách đi đường vòng như thế đấy!

Có thể bạn quan tâm:  Top những kiến thức, kinh nghiệm giúp tôi thu về hơn 1.3tỷ chỉ với 4tr tiền Marketing từ thị trường Mỹ & Canada

Tôi nghĩ rằng bạn chẳng phải cố gắng trở thành người giỏi nhất (trừ khi bạn có nguồn lực), nhưng bằng việc tận dụng những thế mạnh sẵn có một cách tốt nhất, bạn sẽ luôn có thể trở nên nổi bật trong tập thể mà bạn mong muốn.

Một vài bước bạn có thể làm

  • B1: Xác định đối tượng/ngành hàng mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận.
  • B2: Liệt kê những thế mạnh của bạn mà bạn cho là có giá trị đối với đối tượng/ngành hàng này.
  • B3: Xác định mức độ cạnh tranh & các đối thủ muốn xâm nhập vào ngành hàng/tiếp xúc đối thủ này
  • B4: Xác định các “lỗ hổng” họ đang gặp nhưng chưa có ai hoặc ít người có thể giải quyết (mà bạn có thể giải quyết)
  • B5: Tiếp cận và cho họ biết rằng mình có thể là “mảnh ghép” họ đang tìm kiếm
  • B6: Biến mình trở thành cộng sự của họ

Chúc các bạn thành công!